FLOW TRONG GOLF

“Flow” thường có nghĩa là chuyển động trôi chảy, liên tục. Vậy trong bối cảnh cú swing golf, nó có thể đề cập đến việc cú swing được thực hiện mượt mà và hiệu quả như thế nào. Để cụ thể hơn, hãy phân tích thêm về các thành phần của một cú swing golf.

Một cú swing golf có nhiều giai đoạn: tư thế setup, backswing, downswing, impact và follow-through. Flow có thể liên quan đến cách mà các giai đoạn này chuyển tiếp vào nhau mà không có sự gián đoạn. Nếu có một sự giật cục hoặc chuyển động thô cứng, điều đó có thể làm gián đoạn flow. Nhưng tại sao flow lại quan trọng như vậy? Bởi vì một cú swing mượt mà giúp kiểm soát bóng tốt hơn, tăng tính ổn định và truyền năng lượng hiệu quả hơn từ cơ thể đến đầu gậy.

Các golfers chuyên nghiệp có những cú swing mạnh mẽ và đánh rất xa, nhưng lại rất uyển chuyển, trông gần như chả tốn mấy sức lực – tất nhiên nhìn thấy với thực tế nó không giống nhau. Làm thế nào để đạt được điều đó? Bạn cần có trình tự swing đúng, thời gian các phân đoạn chuẩn xác và thậm chí bạn cũng có cơ chế “tập trung vs thư giãn” về mặt thần kinh. Nếu một golfer quá căng thẳng, cơ bắp có thể không di chuyển mượt mà, dẫn đến một cú swing cứng nhắc.

Tuần tự động học, góc nhìn đầu tiên nên đề cập đến là tuần tự động học (kinematics sequence) và thậm chí cả tuần tự động lực học (kinetic sequence). Trong nhiều môn thể thao, chuỗi động học đề cập đến chuỗi chuyển động trong đó năng lượng (hay là tốc độ) được truyền từ một phần của cơ thể sang phần khác. Trong golf, sức mạnh bắt đầu từ mặt đất, truyền qua chân, hông, thân trên, cánh tay, và cuối cùng là gậy – hãy ghi nhớ sự truyền năng lượng sẽ đi từ dưới lên và trong ra. Nếu mỗi phần này được kích hoạt theo đúng trình tự, nó sẽ tạo ra một dòng chảy năng lượng trơn tru, dẫn đến cú đánh mạnh mẽ và chính xác. Nếu trình tự bị lệch, chẳng hạn như dùng tay quá sớm hoặc không xoay hông đúng cách, flow sẽ bị phá vỡ. Tuần tự động lực học cũng như thế, sự chuyển từ dịch lateral, sang quay pivoting và nhảy lên theo trục đứng phải được thực hiện đúng trình tự, đúng cửa sổ thời gian và độ lớn đỉnh phù hợp. Việc dùng lực ở các cấu phần cơ thể trong suốt thời gian swing cũng phải được thiết kế trình tự chuẩn xác và thông minh.

Thiết kế các khâu chuyển tiếp chuyển động, trong một chuyển động phức tạp như swing golf, các khâu chuyển tiếp cần được hình dung, lập trình trước và dạy thành thói quen cho học viên. Việc thuần thục transition ở các event trong swing sẽ giúp cho chúng ta không bị tắc FLOW. Ở đây chủ yếu chuyển tiếp là chuyển tiếp động lực học. Chuyển tiếp sẽ xảy ra ở hầu khắp các cấu phần swing golf: từ thiết lập sang breakaway (P1.5), từ breakaway đi lên đỉnh, chuyển tiếp lực khi kết thúc quay hông… nói chung chuyển tiếp nó phải được feel ở từng cấu phần swing theo trục thời gian. FLOW chuyển tiếp ở đây nó chính là quy luật chuyển hướng vector, thay đổi độ lớn lực mặt đất, nó thể hiện tính mục đích của các chuyển động mà chúng ta muốn tạo ra trong swing golf.

Nhịp độ (tempo) cũng là một khái niệm liên quan. Nhịp độ của cú swing là tốc độ hoặc nhịp điệu của các giai đoạn khác nhau. Một nhịp độ tốt đảm bảo rằng backswing và downswing đồng bộ với nhau. Flow cũng liên quan đến việc duy trì nhịp độ nhất quán trong suốt cú swing. Nếu nhịp độ quá nhanh hoặc quá chậm ở một số điểm, nó có thể phá vỡ flow thông qua việc không trơn tru ở các khâu chuyển tiếp.
Thăng bằng động trong suốt cú swing cũng rất quan trọng. Nếu không có sự thăng bằng tốt cả tĩnh lúc thiết lập ban đầu và động trong khi swing, thì một golfer có thể mất tư thế trong quá trình swing, làm cho bộ phận chủ đạo điều chỉnh thăng bằng (thân dưới + xương sống) sẽ tham gia vào cơ chế chống lại mất thăng bằng và giảm hiệu quả của chúng trong việc tạo ra cú swing, từ đó dẫn đến những cú đánh không ổn định. Duy trì sự thăng bằng cơ thể trong suốt cú swing sẽ góp phần tạo ra một flow mượt mà.

Sự phối hợp (coordination) giữa các bộ phận cơ thể cũng thông qua kiểm soát thần kinh cũng là yếu tố quan trọng. Tay, cánh tay, vai, hông và chân cần phải hoạt động đồng bộ với nhau. Bất kỳ sự mất kết nối nào cũng có thể làm gián đoạn flow. Sự phối hợp này nghe có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực lại khá phức tạp với các cơ chế thần kinh nhận thức và điều khiển phối hợp nhịp nhàng giúp bộ não đồng bộ hoạt động các bộ phận khác nhau theo trình tự flow đã được lập trình từ trước khi swing.

Về khía cạnh tinh thần và tâm lý. Chúng ta cần giữ được sự tập trung và thư giãn vì chúng giúp duy trì tốt flow trong cú swing. Lo lắng hoặc suy nghĩ quá nhiều có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến cú swing về mặt thể chất. Vì vậy, flow không chỉ là yếu tố vật lý mà còn là trạng thái tinh thần/tâm lý, nơi mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên theo một FLOW có chủ đích mà không cần quá nhiều nỗ lực có ý thức. Ở trạng thái FLOW (hay trạng thái thư giãn và tập trung) thì chúng ta mới có thể thực hiện tốt nhất những chuyển động đúng như đã được lập trình/mường tượng trước.

Các phương pháp luyện tập để cải thiện flow chuyển động có thể bao gồm các bài tập nhấn mạnh vào nhịp độ, như sử dụng máy đếm nhịp hoặc đếm nhịp khi swing. Luyện tập swing chậm có thể giúp khắc sâu trình tự chuyển động đúng. Phân tích video có thể giúp xác định điểm nào làm gián đoạn flow. Ngoài ra, các bài tập tăng cường tuần tự động lực học, cải thiện sự nhận thức và thực hiện các cơ chế chuyển tiếp, ví dụ chẳng hạn như tập cơ trung tâm và tăng cường sự linh hoạt, có thể giúp cú swing trở nên mượt mà hơn. Chúng ta cũng cần có các bài tập thường xuyên cho trạng thái flow của tâm lý/tinh thần của cú swing, các bài thở, bài thiền, chống lo lâu, tăng tự tin… từ clarity -> commitment -> composure sẽ chuyển hoá tốt về confidence mọi lúc mọi nơi.

Những lỗi phổ biến có thể phá vỡ flow bao gồm swing quá mức (over-swinging), khi backswing quá dài làm mất kiểm soát, hoặc đẩy gậy xuống quá sớm (casting), khiến cổ tay bị giải phóng sớm và mất lực. Cầm gậy hoặc tư thế không đúng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng swing mượt mà… và vô vàn các lỗi flow khác xảy ra ở bất cứ vị trí cơ khớp nào trên cơ thể, cũng như bất kỳ thời điểm nào trong swing. Ngoài lỗi flow vật lý, chúng ta cũng còn cần cải thiện nhiều lỗi flow tâm lý và quản trị (overthinking, sợ hãi, căng thẳng, thiếu tự tin, thu thập dữ liệu sơ sài, practice không có tính mục đích, chuẩn bị trận đấu chưa tốt)…

Tóm lại, “flow trong cú swing golf” có thể đề cập đến sự kết hợp nhuần nhuyễn của tất cả các yếu tố trong cú swing kỹ thuật, nhịp độ, cân bằng, sự phối hợp nhận thức/điều khiển của bộ não và trạng thái tinh thần và tâm lý người chơi để tạo ra một chuyển động trơn tru, hiệu quả và mạnh mẽ. Đạt được flow tốt sẽ giúp golfer có những cú đánh ổn định và chính xác hơn. Tất nhiên mục tiêu cuối cùng là hiệu quả tối đa kết quả cho golfer.

Nguồn: Mr. Nguyễn Thanh Sơn – GOLFER VIETNAM GVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *